Wednesday, January 29, 2014

American University Nigeria






Nigeria tên chính thức là Cộng Hòa Liên Bang Nigeria (Federal Republic of Nigeria). Về điạ dư, Nigeria giáp với Cameroon ở hướng đông, Benin hướng tây, hướng bắc là Niger và Chad. Viện Đại Học Hoa Kỳ của Nigeria (American University of Nigeria – AUN) mua vé máy bay hãng Lufthansa (Đức quốc) cho tôi, bay từ Dallas / Fort Worth đến Frankfurt (Đức) rồi đổi phi cơ bay đi Abuja, thủ đô của Nigeria. Trường AUN ở Yola, nằm về hướng đông bắc sát biên giới Cameroon, chỉ cách một rặng núi, khoảng hơn một tiếng đồng hồ đi xe và cách thủ đô Abuja khoảng 400 cây số.

Như đã được dặn dò trước qua điện thư (email), nhân viên nhà trường ở Abuja ra phi trường đón tôi đưa về khách sạn của nhà trường (trường AUN sở hữu nhiều bất động sản… ở Nigeria) nghỉ đêm, sáng hôm sau sẽ đưa trở ra phi trường bay lên Yola. Hai thành phố Yola, Abuja chỉ cách nhau 400 cây số vẫn phải đi máy bay… Vấn đề di chuyển, chuyên chở bằng đường bộ ở Nigeria là cả một vấn đề!

Qua quầy kiểm soát di trú, ra đến ngoài, tôi đảo mắt xung quanh ngắm nghì trời mây bao la sau 18 tiếng đồng hồ bay. Về điạ dư, Nigeria thuộc vùng nhiệt đới, nóng quanh năm, tuy nhiên vẫn dễ chịu hơn khí hậu ở Saigon và khô ráo hơn. Nigeria có nhiều núi non nhưng không cao, có nhiều cây nhiệt đới như ở Việt Nam. 




Nigeria có mỏ dầu hỏa nhưng đất nước vẫn còn nghèo quá, ra khỏi phi trường mới trông thấy nếp sinh hoạt của người dân, những người phụ nữ buôn gánh bán bưng. Họ đội trên đầu “gánh hàng”, một sô bánh trái, một khay đậu phọng…, bước đi thoăn thoắt, tay không phải giữ mà “gánh hàng” vẫn không rơi (đàn ông, trẻ em cũng vậy). Có phụ nữ đeo thêm sau lưng đứa con, vẫn đội thúng trên đầu, đi bán hàng rong…

Nigeria đang làm gần xong một xa lộ rộng lớn, từ phi trường vào thành phố Abuja và dẫn đến Lagos, thành phố bờ biển lớn nhất của Nigeria. Xa lộ có bốn chiều đi lên đi xuống như ở Hoa Kỳ, có lằn phân chia (lanes), tuy nhiên các tài xế phóng xe bạt mạng, luồn lách như kiểu lái xe Honda ở Việt Nam. Đó là một thứ “bệnh” vô kỷ luật, không tôn trọng trật tự công cộng. Dọc theo xa lộ có những làng nhỏ, dân trong làng đứng rình nơi lề đường, đợi lúc bớt xe chạy băng qua, rất nguy hiểm. Nhiều lúc “dựng tóc gáy”, nhiều lần tôi định nói anh tài xế “James Bond” chạy chậm lại, nhưng thôi kệ… Cho mày chết trước rồi tao cũng chết luôn… “Thí mạng cùi”.

Tôi ở chơi trong khách sạn nhà trường hai ngày mới có vé máy bay đi Yola. Ban ngày tôi đi bộ loanh quanh thăm thành phố. Nigeria có diện tích rộng gấp ba lần Việt Nam, dân số khoảng hơn 160 triệu người, đông dân cư nhất Phi châu, cứ bốn (4) ông “Tây Đen” ở Phi châu, có một (1) ông là người Nigeria… cứ bốn người trên quả điạ cầu, một người là người Tầu.

Đường xá ở Nigeria rất bết, nhiều “ổ gà” vì thiếu ngân sách bảo trì (maintenance), nhiều con đường không có vỉa hè hay lối đi, hai bên là đất cát. Vấn đề nhu cầu tối thiểu, điện nước cũng bết, chuyện thiếu nước, cúp điện thường xẩy ra, nên những nhà máy, cơ sở, khách sạn, trường học thường có thêm máy phát điện riêng.

Đến phi trường Yola khoảng 1 giờ chiều, tôi được nhân viên phi trường đón đưa về căn apartment đã chuẩn bị sẵn với đầy đủ tiện nghi, thức ăn, nước uống v.v… Sau đó đến Câu lạc bộ của nhà trường ăn trưa, cũng để giới thiệu với nhân viên quản lý. Trường AUN ngoài mấy khách sạn còn làm chủ 9 khu apartment cho nhân viên, giáo sư ngoại quốc ở. Câu lạc bộ cũng của nhà trường, bên trong là khách sạn có hai hồ bơi, sân đánh tennis, bóng rổ, phòng họp, phòng tập thể dục. Nơi đây là chỗ tụ họp, ăn uống sau giờ làm việc, nhiều người đem theo vợ con đến bơi lội, ngồi hóng mát, tán dóc…





Viện Đại Học Hoa Kỳ của Nigeria (AUN) nằm trên một khu đất rộng lớn hơn 1000 mẫu, ngoài cổng có nhân viên an ninh khám xe rồi mới được vào. Vấn đề an ninh ở Nigeria phải đề phòng, tỉnh Sokoto hướng đông bắc, khu vực đông người Hồi giáo vẫn có những cuộc bạo động. Trên đường thường có những nút chặn (check-point) cảnh sát, ăn mặc như quân đội với nón sắt, áo giáp, tiểu liên AK-47, kiểm soát, khám xét xe cộ.

Ngôn ngữ để làm việc ở Nigeria là tiếng Anh giọng người Nigeria (Nigerian-English) lúc đầu hơi khó nghe, sau quen đi. Trường AUN có nhiều người đến từ các quốc gia Phi châu khác như Congo, Rwanda, Ghana… Những người thuộc các nước nói tiếng Pháp như Congo, Moroco, Central Africa… học nói tiếng Anh nhanh chóng. Riêng Cameroon nói tiếng Pháp ở phiá bắc, phần còn lại nói tiếng Anh.

Phi châu có cả ngàn bộ lạc, sắc tộc nguyên thủy. Riêng ở Nigeria đã có hơn 250 sắc dân chia làm ba nhóm chính, ngôn ngữ khác nhau: Fulani, Igbo và Yoruba. Người Fulani sống nơi hướng bắc, o đạbộ lạc Fulani trải dài qua nhiều quốc gia: Ghana, Senegal, Guinea, the Gambia, Mali, Nigeria, Sierra Leone, Benin, Burkina Faso, Guinea Bissau, Cameroon, Côte d'Ivoire, Niger, Chad, Togo, Republic of the Congo, Democratic Republic of the Congo, South Sudan the Central African Republic, Liberia, Sudan, Eritrea and Egypt.

Người Fulani là sắc dân đầu tiên ở Phi châu theo đạo Hồi nên phát triển trở nên một thế lực chính trị, kinh tế. Trước khi người Tây phương đến, dân Fulani sống du mục, chăn nuôi bò, dê, ngày nay trở nên khó khăn với đà phát triển các đô thị lớn, kỹ nghệ hóa, thêm nạn hạn hán xẩy ra thường xuyên ở Phi châu, đất đai chăn nuôi thâu hẹp lại. Lớp người trẻ Fulani được hấp thụ nền văn hoá mới đi đến những thành phố lớn như Lagos, Konakry, Bamako tìm công ăn việc làm.

Người Yoruba tập trung trong khu vực phiá tây nam Nigeria, phiá nam Benin lan qua các quốc gia nằm phiá tây Phi châu như Togo, Sierra Leone và Ghana. Di dân Yoruba chia làm hai nhánh chính, nhóm mới sang Hoa Kỳ và Anh quốc trong thập niên 1970. Nhóm thứ hai là nhóm cổ, có lịch sử bắt nguồn từ thế kỷ thứ 16, trong thời gian buôn bán nô lệ, nhóm này có gốc rễ với người da đen bị bán qua Brazil, khu vực trong vùng biển Caribean như Cuba, Trinidad Tobago… Đa số người Yoruba ở khu vực tây nam Nigeria, kể cả thành phố lớn nhất Lagos theo đạo Tin Lành (Christian) hay đạo Hồi (Islamic).

Người Igbo sống trong khu vực đông nam Nigeria, ở vùng quê người Igbo sống bằng nghề tiểu công nghệ, đặc biệt làm rẫy trồng củ Yam, như củ mì nhưng to lớn hơn nhiều, thường lớn bằng bắp chân, có củ dài 1,5 mét nặng 70 kilo. Ước tính trên thế giới 95% củ Yam do người Igbo sản xuất, loại thực phẩm này rất quan trọng cho sự sống còn cho các dân tộc Phi châu, thường bị nạn hạn hán. Người Igbo đã từng nổi dậy, tách riêng thành lập quốc gia Biafra gây nên trận chiến Nigeria-Biafra từ ngày 6 tháng Bẩy 1967 đến 15 tháng Giêng 1970. Bị thua trận, Biafra xáp nhập trở lại Nigeria.



AUN Nov. 03, 2013

vđh

LỄ SEOKJEON / Sungkyunkwan University Nam Hàn ROK Republic Of Korea



        Ngôi trường Sungkyunkwan cổ xưa vẫn nằm tại vị trí cũ từ mấy trăm năm qua và được tu bổ rất tốt. Sau trận chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), trường Sungkyunkwan vẫn là một trung tâm giáo dục bậc cao đẳng nổi tiếng ở Nam Hàn. Những thập niên gần đây, Nam Hàn phát triển nhanh chóng về kỹ thuật, kỹ nghệ, trường Sungkuynkwan được các đại công ty như hãng điện tử Samsung tài trợ, mở rộng ra, lấn sâu vào chân núi.
        Các giáo sư, sinh viên ngoại quốc đến trường đi học hoặc dậy học, thường được nhà trường sắp xếp cho ở trong International House, một dinh thự rất lớn nằm bên ngoài bức tường bao quanh trường, gần về phiá cổng chính và ngôi trường cổ. Riêng tôi, được thuê cho một căn apartment hai phòng ngủ, nằm đằng sau dinh thự 600 Anniversary Administration Building (Building này khánh thành nhân dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 600 của trường đại học). Điều này tôi thích hơn, từ nhà đi bộ đến lớp học chỉ mất khoảng năm phút, nên tôi có thể về nhà ăn trưa (mì gói kinh niên, chứ chẳng có gì qúy hóa, sang trọng), uống ly cà phê rồi lựng thững trở vào trường.
        Từ ngoài cổng chính vào trong trường, có một con đường chính uốn quanh co lên dốc, ra khỏi trường qua một cổng khác. Mặt đường ngang với tầng ngầm thứ ba, thứ năm của building (basement), lúc đầu tôi cũng “thở dốc” dần dần rồi quen đi, không cảm thấy mệt nữa.
Viện đại học Sungkyunkwan và có lẽ các trường khác được tổ chức theo mẫu các trường đại học ở Hoa Kỳ, một năm có hai học kỳ (semester), mỗi học kỳ kéo dài 16 tuần lễ, mùa đông nghỉ hai tháng từ giữa tháng Mười Hai đến cuối tháng Hai, mùa hè nghỉ hai tháng, cuối tháng Sáu đến cuối tháng Tám. Phòng học, cơ sở được xây dựng với kiến trúc mới, sạch sẽ khang trang, bảo trì rất tốt. Mỗi phân khoa tập trung trong một building riêng như phân khoa Kinh Tế Thương Mại trong Dasan building, ban Sư Phạm (College of Education) nằm trong Hoam building. Tuy nhiên các ban lại không gom lại chung với nhau, văn phòng ban Computer Education nằm trên tầng thứ 5, building Hoam, văn phòng các giáo sư trong ban nằm trên tầng thứ 12, phòng của tôi nằm trên tầng thứ 6 Toegye building. Toegye là bút hiệu của Yi Huang (1501-1570) là vị giáo sư nổi tiếng về Khổng học, người Triều Tiên sống dưới triều đại Joseon (triều đại rất chú trọng về văn học, đạo đức, cho xây dựng trường Sungkyunkwan để nghiên cứu Khổng học).
Học trò Đại Hàn rất kính trọng thầy, học hành chăm chỉ và rất kỷ luật, gần hết học kỳ tôi vẫn chưa thấy một anh hay một cô học trò nào sơn tóc, xỏ mũi, xỏ tai như ở Hoa Kỳ. Trước khi đến Đại Hàn, đọc tin “tức mình”, mấy ông Đại Hàn qua Việt Nam kiếm vợ, tôi cũng… sôi gan, nhưng đã sống ở đây được ba tháng, những thành kiến vơi đi phần nào… Tại mình, mấy tay buôn người làm giảm giá trị người Việt. Tôi nhận xét người Đại Hàn rất lễ phép, kỷ luật, họ đã bị người Nhật xâm lăng hai lần, nên giống người Nhật, cũng như người Việt với người Tầu. Hai người bạn gặp nhau, đàn bà cũng như đàn ông, học trò nam nữ cúi đầu chào nhau. Trong ban Computer Education, mỗi mình tôi là người Việt nên mọi người đều biết, học trò mỗi khi trông thấy tôi thường cúi đầu chào. Một buổi sáng thứ Bẩy đi dạo khu phố gần trường, lúc trở về đang đi trên con đường chính từ cổng vào bỗng nghe có tiếng chào hỏi lớn, nhìn sang bên kia đường là một anh học trò trong lớp cùng với cô bạn gái đang khoanh tay cúi đầu chào.
Một điều tôi không thích nơi người Đại Hàn là chuyên buôn bán. Ở Âu châu, cũng như ở Việt Nam, đến nơi nào tôi chỉ việc mua thẻ Simm (Simm card) là có thể xử dụng điện thoại, nhưng họ không bán, chỉ bán cel-phone mới. Sau khi đã biết lịch trình thi cử cuối hoc kỳ, tôi vào một cửa hàng bán vé máy bay du lịch trong trường mua vé về thăm gia đình. Anh chàng nhân viên “kỳ kèo” muốn bán vé hãng hàng không Korean Airline chứ không chịu bán vé của hàng không Việt Nam! Thêm điều nữa, anh ta cầm passport Hoa Kỳ của tôi lên… lải nhải. Bực mình, tôi đòi lại passport rồi đi về phòng Computer Lab riêng của ban Computer Education, lên hệ thống Internet tìm cách liên lạc với văn phòng Air Việt Nam trong thủ đô Seoul. Bên kia đầu dây, có người nói tiếng Đại Hàn, tôi gọi một anh học trò lại, nhờ hỏi giùm chuyện mua vé máy bay. Hai thầy trò đang lấy giấy ghi chép, một cô học trò khác bước lại “hỏi thăm” rồi cũng lên Internet tìm bản đồ. Sau khi lấy được đầy đủ chi tiết, họ chỉ dẫn cho tôi… Từ trường đến văn phòng bán vé máy bay không xa, cứ lấy taxi rồi đưa cho tài xế điạ chỉ đã được viết thêm lời dặn dò bằng tiếng Đại Hàn… Một tiếng đồng hồ sau, tôi có vé máy bay khứ hồi về thăm gia đình. Trường Sungkyunkwan lớn, có hơn 26 ngàn sinh viên, trong trường có nhiều tiệm ăn, tiệm sách, tạp hóa,… Một hôm, tôi ra phố ghé vào một tiệm cắt tóc, chẳng ai hiểu mình, họ nói gì cũng không hiểu. Hôm sau, lại một anh học trò đưa tôi đến  tiệm cắt tóc ở ngay trong trường… chẳng phải đi đâu xa, ra khỏi cổng trường.
Một buổi sáng, tôi xách cặp đi bộ vào trường, bên trong vắng vẻ lạ thường. Đến một khúc quanh đằng sau Hội Quán Sinh Viên (Students Union) mới trông thấy các cô mặc quốc phục cổ truyền Đại Hàn mầu đỏ, đang từng nhóm năm, ba người đi về hướng ngôi trường cổ Sungkyunkwan gần cổng. Tôi mới nhớ ra hôm đó là ngày lễ đức Khổng Tử, một ngày lễ lớn đặc biệt trong trường, mấy công ty du lịch thường đưa du khách đến xem. Tôi vội vàng quay trở về nhà, cất cặp rồi lấy cái cel-phone để chụp ảnh đi đến ngôi trường cổ.
Cánh cổng chính, lớn vào ngôi trường cổ thường ngày đóng kín, hôm đó mở ra chào đón người đến dự lễ cũng như du khách, tôi thấy có người đứng bên kia đường đang chụp ảnh, quay video. Trong một góc nơi cổng trước khi bước vào bên trong, có kê một bàn dài cho khách đến dự ký tên, nhận tờ chương trình hành lễ như một quyển sách in mầu trên giấy láng, để kỷ niệm hoặc giữ làm tài liệu. Có mấy vị lớn tuổi mặc quốc phục đứng chào khách ngay trước cánh cổng tam quan lớn, muốn tránh cũng không được, tôi bước đến trước chiếc bàn dài, ký tên vào cuốn sổ, mặc dầu không biết một chữ Đại Hàn và chẳng có ai nói được tiếng Anh.
 Đức Khổng Tử () theo truyền thống 28 tháng Chín năm 551 – 479 trước công nguyên, là một bậc hiền triết về xã hội (học) người Trung Hoa. Triết lý của đức Khổng Tử đặt trọng tâm về cá nhân, guồng máy hành chánh, sửa sai sự liên hệ (phân chia) giữa các tầng lớp xã hội, công lý và chân thật. Tư tưởng, triết lý Khổng Tử được phát triển, áp dụng dưới triều đại nhà Hán (206 BC – 220 AD), sau đó lan truyền sang Việt Nam, Triều Tiên. Trong Văn Miếu, Quốc Tử Giám ở Việt Nam có tạc tượng thờ đức Khổng Tử và bốn vị môn đệ của ngài. Người Đại Hàn tin rằng, Khổng học đã tạo nên tình đoàn kết dân tộc, liên kết con người lại gần với nhau hơn, tránh được nạn ngoại xâm và nội chiến trong nưóc.
Bước qua cổng tam quan lớn, trước mắt là đền thờ đức Khổng Tư, được xây năm 1398, năm thứ bẩy dưới thời Vua Taejo, người sang lập ra triều đại Joseon năm 1392. Ngôi đền có tên là Daesunjeon để thờ đức Không Tử và các vị học giả nổi tiếng về Khổng học. Trước ngôi đền là một sân rộng, nơi làm lễ đăng quang cho các vị khoa bảng trước khi rời trường Sungkyunkwan lên đường đi giúp nước, trị dân. Ngày nay trường vẫn theo truyền thống xa xưa, làm lễ tốt nghiệp cho các tân khoa trong sân này. Trong khu vực ngôi trường cổ còn có nhiều kiến trúc cổ khác: đại giảng đường chính Myeongnyundang, Dongjai, SeoJae (phòng học hướng đông, tây), thư viện Jongyeonggag, phạn xá cho các học giả (sinh viên) đến ăn học Jinsa Refectory, và nhiều kiến trúc cổ khác…
Trong sân đã có hai hàng ghế, đầy những người đến xem, mình là “kẻ đến sau” đành đi lang thang… mà tôi cũng thích như thế, ít chịu ngồi yên một chỗ. Trước bậc thềm ngôi đền Daesunjeon có đặt rất nhiều dàn hoa, mấy cánh cửa vào đền cũng được mở ra, bên trong có người làm lễ. Trên bậc thềm có nhiều vị lớn tuổi trong quốc phục, quỳ gối, đứng quay mặt vào đền (không quay ra sân) làm lễ như các vị chủ tế. Các cô mặc quốc phục mầu đỏ, đi hài tôi gặp ban sáng đứng xếp hàng theo đội ngũ, giữa hai hàng ghế quan khách, khách du lịch, khán giả. Theo tiếng trống, tiếng chiêng, các cô áo đỏ di chuyển rất nhẹ nhàng, uyển chuyển theo giọng xướng của một vị ở trên bậc thềm, trông rất đẹp mắt.
Lẩn quẩn một lúc, chụp mấy tấm ảnh xong, tôi định tìm một ghế trống để ngồi, nhưng không có chiếc nào trống. Đợi đến lúc tạm nghỉ tôi ra về… Tiếc quá, không có ghế nào trống! Trên đường về tôi cảm phục người Đại Hàn vẫn bảo tồn được nét cổ truyền của dân tộc. Mấy cô trình diễn, chân tay dẻo thật… đứng cả mấy tiếng đồng hồ! Ngày xưa, trong lứa tuổi đôi mươi, mỗi lần học cơ bản thao diễn trong quân trường, tôi thường tìm cách “tránh né”. Còn mấy “ông mãnh” còn trẻ ngồi chiếm hết mấy hàng ghế trống, không biết nhường chỗ cho người lớn… Mấy tay đó chắc gì đã biết lễ nghi… đến để ngắm mấy cô áo đỏ.

Sungkyunkwan University
Dept. of Computer Education
vđh    

American University in Bosnia





AMERICAN UNIVERSITY IN BOSNIA
(TRƯỚC KHI GIÃ TỪ)

        Thấm thoát tôi đã đi dây cho trường American in Bosnia gần được một năm. Học kỳ đầu năm (Fall semester) cũng thưòng không có gì lạ, nhưng học kỳ cuối năm (Spring semester) có nhiều nhộn nhịp trong thủ tục hành chánh cho các sinh viên tốt nghiệp. Các sinh viên năm thứ tư có vẻ náo nức, mong sớm đến ngày lãnh văn bằng tốt nghiệp. Nhiều hôm vào lớp tôi thấy... vẫn còn đang bàn cãi chọn nhà thầu may quần áo, nhẫn tốt nghiệp, mời thân nhân bạn bè dự lễ v.v... Tôi rất thông cảm với tuổi trẻ, thế hệ con em. Thân phận người tỵ nạn, những ngày tốt nghiệp của tôi trên xứ người rất lặng lẽ, cô đơn.
        Vấn đề luật pháp của Bosnia rất phức tạp do tình hình chính trị. Trong một quốc gia “gần như” chia đôi: Cộng Hòa Srpska (Serbian Cyrillic: Република Српска, [rɛpǔblika sr̩̂pskaː]) và Liên Bang Bosnia và Herzegovina (Bosnian, Croatian, Serbian: Federacija Bosne i Hercegovine Serbian Cyrillic: Федерација Босне и Херцеговине). Cộng Hòa Srpska xử dụng cổ ngữ Cyrillic (giống mẫu tự Nga. Mọi người dân đều biết viết, đọc cả hai cổ ngữ Cyrillic và tiếng Bosnia ngày nay), ngày nghỉ lễ riêng theo tôn giáo Orthodox, phần còn lại nghỉ lễ theo đạo Hồi. Sau hơn 40 năm sống dưới chế độ độc tài Tito, tiếp theo là trận nội chiến (1992-1995. Bosnia tuyên bố độc lập tách ra khỏi Yugoslavia, Cộng Hòa Srpska chống lại), Bosnia trở nên một quốc gia “chậm tiến” trong lục điạ Âu châu trên phương diện kinh tế, khoa học kỹ thuật. Cũng vì thế học trò vẫn quý trọng người thầy và tình thầy trò đậm đà hơn ở các quốc gia Tây Phương khác.
        Khoảng hai tuần lễ trước kỳ thi cuối (Final Exam), nhà trường yêu cầu các giáo sư dậy tất cả các ngành năm thứ tư nộp phiếu điểm sớm để họ biết sinh viên nào sẽ tốt nghiệp. Hai tuần cuối cũng là thời gian bận rộn cho tôi, phải vào trường tối thứ Hai, Tư, Sáu dự buổi sát hạch “Nghiên Cứu” (Senior Projects) các sinh viên năm thứ tư ban Information Technology (Kỹ Thuật Thông Tin). Các sinh viên năm cuối phải chọn một đề tài nào đó mà mình hiểu biết nhiều nhất, ưng ý nhất sau đó tìm thêm tài liệu để viết bài theo khuôn mẫu đã định sẵn. Ngoài ra với nền khoa học tân tiến ngày nay, các sinh viên phải soạn thêm một bài tóm lược với hình ảnh để phóng lên màn ảnh trong phần thuyết trình (Power Point).
        Những buổi sinh viên thuyết trình có sự hiện diện của các vị giáo sư ở cả hai nơi, American University in Bosnia và State University of New York (SUNY Canton), nên bắt đầu lúc 6:00 giờ chiều ở Bosnia cho phù hợp với giờ giấc ở New York. Tôi phải có mặt trước 15 phút để chuẩn bị cũng như để cho nhân viên ban kỹ thuật thiết lập hệ thống “Liên Lạc Viễn Thông Hình Ảnh” (Video Conferencing). Vào trong phòng, tôi chới với không dè đông người, các sinh viên mời thân nhân, bạn bè đến tham dự, có người đem theo bó hoa để tặng, ngoài ra có thêm vài sinh viên năm thứ ba cũng vào ngồi xem để chuẩn bị cho năm học sắp tới.
        Qua hình ảnh video conferencing tôi thấy bên New York có ba vị giáo sư, họ ngồi rải rác trong một phòng học nhỏ, loại phòng học này được trang bị hệ thống Tele-conferencing để giảng huấn, rất thông dụng trong các quốc gia Ả Rập trong vùng Trung Đông, con trai, con gái có phòng học riêng... Đám con gái học “ké” qua hệ thống Tele-conferencing.
        Ban “Trợ Huấn” (Academic Affair) có hai người đại diện, họ làm nhiệm vụ giới thiệu, điều khiển chương trình vì có nhiều phụ huynh không biết tiếng Anh. Mỗi sinh viên có 30 phút thuyết trình, sau đó là phần trả lời các câu hỏi. Ba sinh viên thuyết trình hôm đó đều được “thông qua” (Pass) nhưng rất chán (boring) không có gì là xuất sắc. Sau khi buổi sát hạch chấm dứt, có sinh viên được tặng hoa, chụp ảnh lưu niệm với gia đình, bạn bè rồi ra về. Tôi phải ngồi lại thêm chốc lát, viết lời phê bình và “ký giấy tờ”. Như đã nói ở trên, Bosnia rất phức tạp vấn đề hành chánh, luật pháp, tôi phải ký tên vào học bạ sinh viên và nhiều thứ giấy tờ khác...
        Sáng hôm sau trong lớp năm thứ tư, tôi nêu lên những khuyết điểm trong phần thuyết trình, hướng dẫn thêm vài điều. Kết qủa những lần sinh viên thuyết trình sau đó rất tốt, chỉ một sinh viên bị loại vì tài liệu nghiên cứu có nhiều thiếu xót. Các sinh viên năm thứ tư ban Kỹ Thuật Thông Tin (IT - Information Technology) niên khóa 2011 có tất cả 18 người, ba người không được tốt nghiệp, phải học lại những lớp (course) bị rớt năm sau.
        Sau buổi học cuối cùng, mấy sinh viên năm thứ ba (IT) mời tôi đứng chụp hình với cả nhóm. Dậy học ngành Computer, Information Technology ít nữ sinh, đặc biệt năm thứ ba chỉ có một cô nên đám nam sinh viên rất “quậy”, tôi gọi là “Băng 3C” (“3C Gang”, giống như bâc trung học ở VN trước năm 1975 có ban A, B, C...). Sau đó kéo tôi xuống dưới tầng ngầm (basement) có phòng giải trí, bàn billard, quán cà phê, mấy thầy trò ngồi uống cà phê, tán dóc. Thường những lần “tâm sự”, họ thường hỏi tôi về chuyện học hành, trình độ kỹ thuật, công ăn việc làm ở Hoa Kỳ. Mặc dầu quậy nhưng tất cả vẫn trọng ông thầy, đó cũng là điểm “dễ thương” trong thời gian dậy học ở Bosnia.
        Trong tuần lễ thi cuối khóa, mấy vị giáo sư Hoa Kỳ làm xong sớm (cho thi sớm) đã rủ nhau thuê xe đi du lịch. mấy quốc gia vùng Balkan: Slovenia, Croatia, Serbia, Bosnia, Montenegro, Albania, Macedonia rất nhỏ, chỉ cần đi xe và vấn đề qua lại biên giới giữa các quốc gia rất dễ dàng... chỉ cần đem theo ít tiền Euro. Các quốc gia ở Âu châu không dùng tiền American Dollar, tuy nhiên vào ngân hàng đổi dễ dàng.
        Vẫn còn nhiều thì giờ, hai anh học trò ở Lukavac cách Tuzla khoảng 40 cây số, lái xe đón tôi đi thăm thành phố Lukavac của họ. Bên Âu châu nhất là vùng Balkan có rất nhiều làng nhỏ rất yên bình, thơ mộng. Hai anh học trò lái xe đưa tôi đi ngang qua khu có những ngôi biệt thự xa xưa xây bằng đá núi, hai bên đường là hàng cây cổ thụ rợp bóng mát. Chúng tôi ra một hồ nước lớn, rất đẹp, bờ hồ phiá bên kia là chân của một rặng núi. Có nhiều quán ăn dọc theo bờ hồ, mấy thầy trò vào một tiệm ăn lớn hai tầng có kiến trúc thiên nhiên, xây bằng gỗ mái lợp tranh. Chúng tôi chọn một bàn ngồi ở ngoài nhìn ra hồ. Trên mặt hồ có nhiều nhà nổi (pontoon), thuyền tam bản, nhưng ở trên xây như một căn nhà nhỏ, mấy anh sinh viên nói rằng người dân ở Lukavac cuối tuần câu cá, picnic trên những căn nhà nổi đó. Họ cho biết thêm, đến mùa hè có những người đi du lịch từ Đức hay các quốc gia khác đến câu cá, và cá trong hồ rất lớn.
        Một lần khác tôi hẹn với ba anh học trò ăn trưa trong một tiệm ăn gần khu thương mại Omega (Mall). Khu này rất đông sinh viên thuộc trường đại học University of Bosnia in Tuzla, nhiều chung cư, cửa tiệm sầm uất, người đi lại trên đường rất đông. Ăn uống xong xuôi vừa bước ra đường gặp một anh sinh viên khác cũng trong lớp 3C, đang dạo phố. Trong lớp, Rijad là tay vô địch đánh billard, hèn chi tay “thổ công” này kiếm được một chỗ đậu xe ngon lành ngay trước cửa tiệm ăn, trong khu phố đông người. Được biết mấy anh học trò định đưa tôi đi thăm phố trước khi quay trở về Hoa Kỳ, Rijad mời tôi lên xe rồi mấy anh kia chạy theo sau trên hai chiếc xe khác.
        Cả hai thành phố lớn ở Bosnia tôi đã đi thăm, Sarajevo và Tuzla nằm trong thung lũng, xung quanh là những rặng núi. Rijad lái xe trên một con đường nhỏ hẹp đủ rộng cho hai xe chạy ngược chiều, quanh co lên dốc. Dọc theo hai bên đường có nhà cửa rải rác, trong khuôn khổ thành phố Tuzla. Chúng tôi lên đến đỉnh một ngọn đồi nhìn xuống thành phố Tuzla, tôi trông thấy ngọn tháp cao của mấy ngôi đền Hồi giáo (Mosque), nhận ra khu phố cổ Centar có công trường rộng và một ngôi đền Hồi giáo nhỏ, cổ xưa. Một anh học trò cho biết, nhìn về hướng đông, còn một phần nữa của thành phố nhưng bị một chân núi trải dài ra che khuất.
        Mấy thầy trò chụp vài tấm ảnh kỷ niệm, rồi lên xe đi tiếp. Lần này đến phiên “thổ công” Darko dẫn đường. Ba chiếc xe đổ dốc theo đường khác chạy ra phố chính, rẽ về hướng tây. Chạy đến gần cuối phố, ba chiếc xe lên dốc, theo con đường quanh co như vào một cánh rừng. Lần “lên núi” này, ít thấy nhà cửa vì không gần trung tâm thành phố, cây cối rất rậm rạp. Chúng tôi đậu xe sát vào bìa rừng, đang ở lưng chừng một ngọn đồi. Vừa bước ra khỏi xe một anh học trò đã chỉ cho tôi xem một tổ chim trên một cành cây, nhìn thấy cả mẹ lẫn con (cây mọc từ dưới thung lũng nên tổ chim chỉ ngang với mặt đường nơi chúng tôi đang đứng).
        Từ chỗ đậu xe nhìn lên là một “tiệm ăn” lộ thiên, có mấy bàn nhỏ, mấy ông bà già đang ngồi uống nước. Chúng tôi sáu người ngồi dưới bóng mát một cây cao lớn, giữa cánh rừng trên một ngọn đồi, tiếng chim hót líu lo khắp nơi. Lần này tôi được uống café Bosnia, đa số các quán cà phê bán cà phê Capucchino hoặc Expresso chứ không có cà phê truyền thống Bosnia. Người bồi bàn là một ông lớn tuổi có lẽ chủ nhà, bê ra mỗi người một “bộ cà phê” bằng đồng, gồm có một cái khay, bình nhỏ bên trong bỏ cà phê trong nước sôi và một tách nhỏ. Khách đợi cho bã cà phê lắng xuống đáy rồi rót cà phê vào tách nhỏ, cho đường vào uống... uống hết tách lại rót café từ bình con vào tách. Đúng ra đó là kiểu cà phê Việt Nam nhưng họ không dùng phin (filter). Tôi thích “bộ uống cà phê” tất cả đều làm bằng đồng, trông có vẻ cổ kính từ thời Đế Quốc Ottoman cai trị vùng Balkan. Mấy anh học trò trả lời đúng, uống cà phê theo kiểu Turkey (Ottoman), cho đến bây giờ trong khu phố cổ Sarajevo (Bascarsija), họ vẫn làm những đồ dùng bằng đồng như thời xa xưa.
        Có lẽ nhiệm vụ cuối cùng cho các vị giáo sư là dự lễ tốt nghiệp được tổ chức trong Trung Tâm Văn Hóa Bosnia ở Sarajevo hôm 8 tháng Sáu, 2011 (Bosanski Kulturni Centar. Thành phố lớn nào cũng có một Trung Tâm Văn Hóa). Tôi rất thích thủ đô Sarajevo được thế giới biết đến là một thành phố “đa văn hóa”, một Jurusalem thứ hai ở Âu châu nơi hội tụ đủ các tôn giáo lớn, Hồi giáo (Islamic), Công giáo (Catholic), Orthodox (Catholic bảo thủ, như bên Nga), Tin Lành (Christian) và cả đạo Do Thái (Judaism). Theo sự hiểu biết của tôi, người Hồi giáo Bosnia hiền hòa, cởi mở, rất ít các bà các cô quấn khăn đi ra đường, họ quấn khăn mầu sắc như một “kiểu” (thời trang, fashion). Người Bosnia cũng không “căm thù” người Do Thái, tôi thấy nhiều Synagore (nhà thờ Do Thái) trong thành phố, có bức tượng khắc chữ Hebrew ghi lại dấu vết người Do Thái xa xưa đã đến định cư ở Sarajevo từ ngàn năm trước.
        Vào bên trong hội trường, giáo sư được cho biết sẽ phải làm gì trong buổi lễ tốt nghiệp, sau đó tự do dạo phố cho đến 5 giờ chiều tập họp chuẩn bị cho buổi lễ. Các học trò được người khác hướng dẫn riêng rồi cũng được đi chơi cho đến chiều.
        Lần viếng thăm Sarajevo này tôi có quá nhiều thì giờ. Trước hết đi theo Chris Nguyễn (người Việt ở San José, dậy môn Tài Chánh) và Amin Jusic (người Bosnia, dây môn Luật) đưa đi ăn trưa. Trung Tâm Văn Hóa nằm ngay phố chính Sarajevo xung quanh có nhiều tiệm ăn, nhưng hai người bạn đồng nghiệp chiều tôi, đưa đến khu phố cổ Bascarsija, cùng trên đường đi bộ mất khoảng 15 phút. Trên đường đi, chúng tôi đi ngang qua một nơi đang đào xới có những bức tường đá cổ hiện ra rõ ràng (ngay trên phố chính), Jusic cho biết, họ mới tìm ta (ban khảo cổ) di tích từ thời Đế Quốc La Mã cai trị đã hơn 1000 năm, các di tich Ottoman (khu Bascarsija) mới được hơn 500 năm.
        Khu phố cổ Sarajevo rất đông du khách ngoại quốc, có người đã ghé nhiều lần đi đứng rất tự nhiên, quen thuộc ngã ngách, người khác dừng lại nơi có sơ đồ khu phố cổ, đọc bảng chỉ dẫn. Sau khi ăn trưa, Chris và Jusic muốn đến building Unitech nơi trường American University thuê một tầng lầu, tôi cũng đi theo vì trong building có nhiều văn phòng thương mại, tiệm ăn và ngân hàng, nhân tiện tôi sẽ rút tiền đổi ra Dollar để chuẩn bị trở về Hoa Kỳ.
        Vào bên trong mới biết đủ mặt “anh tài”, Steve (dậy Lịch Sử - History) đang ngồi chờ cắt tóc “cho đẹp lão” để dự lễ tốt nghiệp. Bước vào ngân hàng Raffeisen, tôi đụng thêm hai “trự” nữa cũng đang “âm mưu” đổi tiền, David (dậy Toán), Malcom (dậy Thương Mại). Xong việc, hai ông này kéo tôi đi tìm một quán giải khát. Bọn tôi tìm được một bàn trống trong một công trường (square), ở giữa là những sạp bán hàng nhỏ rất sạch sẽ, xung quanh là những dẫy bàn ghế, chỗ nghỉ chân ăn uống có dù che mát. Ngồi uống nước ở đây tha hồ nhìn ngắm thiên hạ, khách nhàn du dạo phố, mua xắm.
        Đúng 5 giờ chiều, mọi người cả thấy lẫn trò mặc quần áo dự lễ chờ người trong ban tổ chức hướng dẫn. Đám học trò ban Kỹ Thuật Thông Tin (IT) mời tôi chụp ảnh lưu niệm, đó cũng là kỷ niệm, dường như chỉ mình tôi được cả lớp mời chụp ảnh. Các họ trò được điểm danh xếp thứ tự theo từng ban (phân khoa), xếp thành hai hàng dài dựa theo hai bên vách tường hội trường. Đám giáo sư cũng chia đôi, đi theo sau hai ông viện trưởng. Lúc đó bên trong hội trường nơi trình diễn văn hóa, ca nhạc, kịch nghệ..., thân nhân, bạn bè sinh viên và khách tham dự đã vào ngồi trước. Các chuyên viên kỹ thuật nhà trường, đài truyền hình cũng đã vào, sắp xếp dàn đèn, máy quay phim (video) của họ.
        Đúng giờ, hai nhân viên nhà trường hướng dẫn hai hàng giáo sư, sinh viên đi hai cửa bên hông lên tầng trên, rồi dừng lại đứng chờ ngoài cửa. Hai hàng người đợi cho tiếng nhạc trổi lên mới bước vào bên trong (ở tầng trên), đi dọc theo hai bên hành lang đến cuối hội trường, trước tiếng vỗ tay của thân nhân bạn bè. Sau đó, hai hàng người đi nhập vào nhau xuống những bậc thang nơi cuối hậu trường, rồi lại tách ra đi dọc theo hai bên hông hội trường tiến lên phiá trước. Các vị giáo sư tiếp tục bước lên sân khấu, ngồi vào ghế, các học trò được nhân viên sắp xếp cho ngồi vào mấy hàng ghế đầu hai bên hội trường.
        Buổi lễ kéo dài khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ, trong số 15 sinh viên ban Kỹ Thuật Thông Tin tốt nghiệp, có 5 người tốt nghiệp hạng danh dự, trong đó Almin Vehabobic tốt nghiệp thủ khoa làm tôi “mát ruột”. Sau đó bọn tôi kéo nhau đi tìm một quán ngồi uống bia, đợi xe đến đón đưa trở về Tuzla... Đó cũng là lần chia tay giữa bạn bè, thầy trò.

American University in Bosnia
College of Information Technology

Tuzla, June 10th 2011
vđh