Wednesday, January 29, 2014

LỄ SEOKJEON / Sungkyunkwan University Nam Hàn ROK Republic Of Korea



        Ngôi trường Sungkyunkwan cổ xưa vẫn nằm tại vị trí cũ từ mấy trăm năm qua và được tu bổ rất tốt. Sau trận chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), trường Sungkyunkwan vẫn là một trung tâm giáo dục bậc cao đẳng nổi tiếng ở Nam Hàn. Những thập niên gần đây, Nam Hàn phát triển nhanh chóng về kỹ thuật, kỹ nghệ, trường Sungkuynkwan được các đại công ty như hãng điện tử Samsung tài trợ, mở rộng ra, lấn sâu vào chân núi.
        Các giáo sư, sinh viên ngoại quốc đến trường đi học hoặc dậy học, thường được nhà trường sắp xếp cho ở trong International House, một dinh thự rất lớn nằm bên ngoài bức tường bao quanh trường, gần về phiá cổng chính và ngôi trường cổ. Riêng tôi, được thuê cho một căn apartment hai phòng ngủ, nằm đằng sau dinh thự 600 Anniversary Administration Building (Building này khánh thành nhân dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 600 của trường đại học). Điều này tôi thích hơn, từ nhà đi bộ đến lớp học chỉ mất khoảng năm phút, nên tôi có thể về nhà ăn trưa (mì gói kinh niên, chứ chẳng có gì qúy hóa, sang trọng), uống ly cà phê rồi lựng thững trở vào trường.
        Từ ngoài cổng chính vào trong trường, có một con đường chính uốn quanh co lên dốc, ra khỏi trường qua một cổng khác. Mặt đường ngang với tầng ngầm thứ ba, thứ năm của building (basement), lúc đầu tôi cũng “thở dốc” dần dần rồi quen đi, không cảm thấy mệt nữa.
Viện đại học Sungkyunkwan và có lẽ các trường khác được tổ chức theo mẫu các trường đại học ở Hoa Kỳ, một năm có hai học kỳ (semester), mỗi học kỳ kéo dài 16 tuần lễ, mùa đông nghỉ hai tháng từ giữa tháng Mười Hai đến cuối tháng Hai, mùa hè nghỉ hai tháng, cuối tháng Sáu đến cuối tháng Tám. Phòng học, cơ sở được xây dựng với kiến trúc mới, sạch sẽ khang trang, bảo trì rất tốt. Mỗi phân khoa tập trung trong một building riêng như phân khoa Kinh Tế Thương Mại trong Dasan building, ban Sư Phạm (College of Education) nằm trong Hoam building. Tuy nhiên các ban lại không gom lại chung với nhau, văn phòng ban Computer Education nằm trên tầng thứ 5, building Hoam, văn phòng các giáo sư trong ban nằm trên tầng thứ 12, phòng của tôi nằm trên tầng thứ 6 Toegye building. Toegye là bút hiệu của Yi Huang (1501-1570) là vị giáo sư nổi tiếng về Khổng học, người Triều Tiên sống dưới triều đại Joseon (triều đại rất chú trọng về văn học, đạo đức, cho xây dựng trường Sungkyunkwan để nghiên cứu Khổng học).
Học trò Đại Hàn rất kính trọng thầy, học hành chăm chỉ và rất kỷ luật, gần hết học kỳ tôi vẫn chưa thấy một anh hay một cô học trò nào sơn tóc, xỏ mũi, xỏ tai như ở Hoa Kỳ. Trước khi đến Đại Hàn, đọc tin “tức mình”, mấy ông Đại Hàn qua Việt Nam kiếm vợ, tôi cũng… sôi gan, nhưng đã sống ở đây được ba tháng, những thành kiến vơi đi phần nào… Tại mình, mấy tay buôn người làm giảm giá trị người Việt. Tôi nhận xét người Đại Hàn rất lễ phép, kỷ luật, họ đã bị người Nhật xâm lăng hai lần, nên giống người Nhật, cũng như người Việt với người Tầu. Hai người bạn gặp nhau, đàn bà cũng như đàn ông, học trò nam nữ cúi đầu chào nhau. Trong ban Computer Education, mỗi mình tôi là người Việt nên mọi người đều biết, học trò mỗi khi trông thấy tôi thường cúi đầu chào. Một buổi sáng thứ Bẩy đi dạo khu phố gần trường, lúc trở về đang đi trên con đường chính từ cổng vào bỗng nghe có tiếng chào hỏi lớn, nhìn sang bên kia đường là một anh học trò trong lớp cùng với cô bạn gái đang khoanh tay cúi đầu chào.
Một điều tôi không thích nơi người Đại Hàn là chuyên buôn bán. Ở Âu châu, cũng như ở Việt Nam, đến nơi nào tôi chỉ việc mua thẻ Simm (Simm card) là có thể xử dụng điện thoại, nhưng họ không bán, chỉ bán cel-phone mới. Sau khi đã biết lịch trình thi cử cuối hoc kỳ, tôi vào một cửa hàng bán vé máy bay du lịch trong trường mua vé về thăm gia đình. Anh chàng nhân viên “kỳ kèo” muốn bán vé hãng hàng không Korean Airline chứ không chịu bán vé của hàng không Việt Nam! Thêm điều nữa, anh ta cầm passport Hoa Kỳ của tôi lên… lải nhải. Bực mình, tôi đòi lại passport rồi đi về phòng Computer Lab riêng của ban Computer Education, lên hệ thống Internet tìm cách liên lạc với văn phòng Air Việt Nam trong thủ đô Seoul. Bên kia đầu dây, có người nói tiếng Đại Hàn, tôi gọi một anh học trò lại, nhờ hỏi giùm chuyện mua vé máy bay. Hai thầy trò đang lấy giấy ghi chép, một cô học trò khác bước lại “hỏi thăm” rồi cũng lên Internet tìm bản đồ. Sau khi lấy được đầy đủ chi tiết, họ chỉ dẫn cho tôi… Từ trường đến văn phòng bán vé máy bay không xa, cứ lấy taxi rồi đưa cho tài xế điạ chỉ đã được viết thêm lời dặn dò bằng tiếng Đại Hàn… Một tiếng đồng hồ sau, tôi có vé máy bay khứ hồi về thăm gia đình. Trường Sungkyunkwan lớn, có hơn 26 ngàn sinh viên, trong trường có nhiều tiệm ăn, tiệm sách, tạp hóa,… Một hôm, tôi ra phố ghé vào một tiệm cắt tóc, chẳng ai hiểu mình, họ nói gì cũng không hiểu. Hôm sau, lại một anh học trò đưa tôi đến  tiệm cắt tóc ở ngay trong trường… chẳng phải đi đâu xa, ra khỏi cổng trường.
Một buổi sáng, tôi xách cặp đi bộ vào trường, bên trong vắng vẻ lạ thường. Đến một khúc quanh đằng sau Hội Quán Sinh Viên (Students Union) mới trông thấy các cô mặc quốc phục cổ truyền Đại Hàn mầu đỏ, đang từng nhóm năm, ba người đi về hướng ngôi trường cổ Sungkyunkwan gần cổng. Tôi mới nhớ ra hôm đó là ngày lễ đức Khổng Tử, một ngày lễ lớn đặc biệt trong trường, mấy công ty du lịch thường đưa du khách đến xem. Tôi vội vàng quay trở về nhà, cất cặp rồi lấy cái cel-phone để chụp ảnh đi đến ngôi trường cổ.
Cánh cổng chính, lớn vào ngôi trường cổ thường ngày đóng kín, hôm đó mở ra chào đón người đến dự lễ cũng như du khách, tôi thấy có người đứng bên kia đường đang chụp ảnh, quay video. Trong một góc nơi cổng trước khi bước vào bên trong, có kê một bàn dài cho khách đến dự ký tên, nhận tờ chương trình hành lễ như một quyển sách in mầu trên giấy láng, để kỷ niệm hoặc giữ làm tài liệu. Có mấy vị lớn tuổi mặc quốc phục đứng chào khách ngay trước cánh cổng tam quan lớn, muốn tránh cũng không được, tôi bước đến trước chiếc bàn dài, ký tên vào cuốn sổ, mặc dầu không biết một chữ Đại Hàn và chẳng có ai nói được tiếng Anh.
 Đức Khổng Tử () theo truyền thống 28 tháng Chín năm 551 – 479 trước công nguyên, là một bậc hiền triết về xã hội (học) người Trung Hoa. Triết lý của đức Khổng Tử đặt trọng tâm về cá nhân, guồng máy hành chánh, sửa sai sự liên hệ (phân chia) giữa các tầng lớp xã hội, công lý và chân thật. Tư tưởng, triết lý Khổng Tử được phát triển, áp dụng dưới triều đại nhà Hán (206 BC – 220 AD), sau đó lan truyền sang Việt Nam, Triều Tiên. Trong Văn Miếu, Quốc Tử Giám ở Việt Nam có tạc tượng thờ đức Khổng Tử và bốn vị môn đệ của ngài. Người Đại Hàn tin rằng, Khổng học đã tạo nên tình đoàn kết dân tộc, liên kết con người lại gần với nhau hơn, tránh được nạn ngoại xâm và nội chiến trong nưóc.
Bước qua cổng tam quan lớn, trước mắt là đền thờ đức Khổng Tư, được xây năm 1398, năm thứ bẩy dưới thời Vua Taejo, người sang lập ra triều đại Joseon năm 1392. Ngôi đền có tên là Daesunjeon để thờ đức Không Tử và các vị học giả nổi tiếng về Khổng học. Trước ngôi đền là một sân rộng, nơi làm lễ đăng quang cho các vị khoa bảng trước khi rời trường Sungkyunkwan lên đường đi giúp nước, trị dân. Ngày nay trường vẫn theo truyền thống xa xưa, làm lễ tốt nghiệp cho các tân khoa trong sân này. Trong khu vực ngôi trường cổ còn có nhiều kiến trúc cổ khác: đại giảng đường chính Myeongnyundang, Dongjai, SeoJae (phòng học hướng đông, tây), thư viện Jongyeonggag, phạn xá cho các học giả (sinh viên) đến ăn học Jinsa Refectory, và nhiều kiến trúc cổ khác…
Trong sân đã có hai hàng ghế, đầy những người đến xem, mình là “kẻ đến sau” đành đi lang thang… mà tôi cũng thích như thế, ít chịu ngồi yên một chỗ. Trước bậc thềm ngôi đền Daesunjeon có đặt rất nhiều dàn hoa, mấy cánh cửa vào đền cũng được mở ra, bên trong có người làm lễ. Trên bậc thềm có nhiều vị lớn tuổi trong quốc phục, quỳ gối, đứng quay mặt vào đền (không quay ra sân) làm lễ như các vị chủ tế. Các cô mặc quốc phục mầu đỏ, đi hài tôi gặp ban sáng đứng xếp hàng theo đội ngũ, giữa hai hàng ghế quan khách, khách du lịch, khán giả. Theo tiếng trống, tiếng chiêng, các cô áo đỏ di chuyển rất nhẹ nhàng, uyển chuyển theo giọng xướng của một vị ở trên bậc thềm, trông rất đẹp mắt.
Lẩn quẩn một lúc, chụp mấy tấm ảnh xong, tôi định tìm một ghế trống để ngồi, nhưng không có chiếc nào trống. Đợi đến lúc tạm nghỉ tôi ra về… Tiếc quá, không có ghế nào trống! Trên đường về tôi cảm phục người Đại Hàn vẫn bảo tồn được nét cổ truyền của dân tộc. Mấy cô trình diễn, chân tay dẻo thật… đứng cả mấy tiếng đồng hồ! Ngày xưa, trong lứa tuổi đôi mươi, mỗi lần học cơ bản thao diễn trong quân trường, tôi thường tìm cách “tránh né”. Còn mấy “ông mãnh” còn trẻ ngồi chiếm hết mấy hàng ghế trống, không biết nhường chỗ cho người lớn… Mấy tay đó chắc gì đã biết lễ nghi… đến để ngắm mấy cô áo đỏ.

Sungkyunkwan University
Dept. of Computer Education
vđh    

No comments:

Post a Comment